TP. Hồ Chí Minh – Ngày 5 tháng 6 năm 2003
Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã có nhiều bước thăng trầm, cũng có nhiều kinh nghiệm. Đảng cộng sản Liên Xô được 73 năm thì đổ, còn Đảng ta đến tuổi 73 lại lãnh đạo cả dân tộc đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện CNXH, HĐH đất nước, đưa đất nước tiến vào thế kỷ XXI theo định hướng XHCN.
Trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và ác liệt, Đảng đã lãnh đạo cả dân tộc đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược – Nhật, Pháp, Mỹ, Tầu Tưởng. Sau thắng lợi của cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cánh mạng được thành lập, nhưng liền sau đó là hai cuộc kháng chiến đã kéo dài suốt 30 năm. Từ 1979 đến 1989 lại liên tiếp đối phó với 2 cuộc chiến tranh bo vệ biên giới phía Bắc và phía Tây Nam, giúp nhân dân Cam-pu-chia đánh thắng chế độ diệt chủng và giữ vững nền độc lập. Phải sau năm 1989 – 1990 đất nước ta mới được yên bình. Được yên bình mới chỉ có hơn 10 năm.
Trước kia chúng ta thường nói đánh thắng hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ là không đúng. Phải nói là 4 cuộc chiến tranh.
Chính trong cuộc đấu tranh gian khổ, quyết liệt ấy Đảng ta đã được rèn luyện và trưởng thành. Đảng lãnh đạo cả dân tộc, gắn liền với dân tộc, dân tộc là môi trường sống của Đảng. Đảng từ dân tộc mà ra.
Nước ta kỳ vĩ lắm. Dân tộc ta anh hùng lắm. Dân tộc được hình thành từ khi lập nước. Các triều đại phong kiến, muốn giữ được ngôi vua thì vua cũng phải gắn với dân tộc.
Gia Long có hai mặt: một mặt là mở mang bờ cõi, thống nhất Nam Bắc; một mặt lại dựa vào Pháp để chống Tây Sơn, định nhường Côn Đảo cho Pháp. Nhưng ông lại không nhường ngôi cho con cả là Hoàng Tử Cảnh, mà lại nhường ngôi cho con thứ là Minh Mạng. Minh Mạng, Thiên Trị, Tự Đức cũng có lòng yêu nước, nhưng mù quáng.
Đảng viên cộng sản cũng như mọi người thuộc các giai tầng khác nhau, đều được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, ông nông dân cũng vác bàn thờ ra lát đường. Anh tiểu tư sản, trí thức đi kháng chiến cũng áo vi, quần thô, sống cuộc đời kham khổ, cũng “ba cùng” với quần chúng lao động, cũng trở thành vô sản. Những nhược điểm vốn có của tiểu tư sản, trí thức đã bị loại trừ dần.
Đi theo Đảng, cả dân tộc đã đứng dậy kháng chiến chống ngoại xâm. Tính cộng đồng, tinh thần đoàn kết của dân tộc càng phát huy cao độ.
Phong kiến ở nước ta không có lâu đài, thành quách gì ghê gớm. Cơ ngơi chỉ bằng nhà sau của vua chúa các nước.
Bản thân tôi năm 1991 xin về hưu cũng chưa hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh như bây giờ. Bác nói từng câu từng chữ nghe rất hay, nhưng chưa hiểu rõ tính hệ thống của tư tưởng của Bác.
Sự đổ vỡ của chế độ XHCN ở Liên Xô, Đông Âu đã làm sáng tỏ nhiều điều. Qua lịch sử các Đảng cộng sản các nước cũng như lịch sử Đảng ta và cuộc đời của Bác Hồ, chúng ta càng hiểu rõ hơn nhiều vấn đề của chủ nghĩa Mác – Lênin. Theo quan điểm của Mác, Lênin, học thuyết của các ông không phải đứng nguyên một chỗ, nó phải phát triển, không phát triển thì không biện chứng.
Chủ nghĩa Lênin là chủ nghĩa Mác thời đế quốc chủ nghĩa. Đến Lênin thì mới có vấn đề nắm chính quyền, chính sách kinh tế mới, biến CNXH từ lý thuyết trở thành hiện thực.
Chủ nghĩa Mác – Lênin xuất phát từ phương Tây. Mác, Lênin chưa có điều kiện nghiên cứu sâu về phương Đông, chiếm 2/5 nhân loại.
Đng cộng sản Trung Quốc là đng ở một nước lớn ở phương Đông. Mao Trạch Đông nhấn mạnh đấu tranh giai cấp, con người rất cao ngạo, cứ xem bài Tuyết Từ thì rõ. Ông ta chửi Khổng, Lưu Thiếu Kỳ có phát triển một bước chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng cũng chưa làm được bao nhiêu.
Đến Bác Hồ, tư tưởng phương Đông thấm vào Bác rất rõ, cứ xem cuốn “Sửa đổi lối làm việc” cũng có thể thấy được điều này. Hồ Chí Minh đã phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin lên một bước mới, kết hợp được phương Tây với phương Đông, cả tư tưởng, văn hoá, văn minh, đặc biệt thể hiện tính nhân văn cao hơn. Hồ Chí Minh được đánh giá là một danh nhân văn hoá của thế giới vì ở Hồ Chí Minh, trí tuệ, đạo đức, tư tưởng, tác phong kết hợp rất nhuần nhuyễn, Đông – Tây kết hợp rất nhuần nhuyễn.
Bây giờ ở Trung Quốc, người ta lại trở lại với Nho giáo, chú ý giáo dục về Nho giáo.
Kết hợp văn hoá phương Đông với văn hoá phưng Tây, sẽ giúp ta hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin không khô khan, thô bạo, không làm mất đi tình người như đã xẩy ra trong cải cách ruộng đất hay cải tạo XHCN trước kia.
Chế độ XHCN cũng đã sản sinh ra hai ông độc tài: Xit– ta–lin và Mao Trạch Đông.
Dập theo kiểu này, trong đấu tranh giai cấp có người ở ta nói báng bổ: dù là cha tôi nếu là đối kháng, tôi cũng giết.
Trước kia, nhà tôi có mấy anh em bị tù, tôi đã nói với mẹ tôi: Mẹ ơi nước mất thì nhà tan, thôi mẹ đừng khóc nữa. Nói thế, tôi tưởng có thể an ủi được mẹ tôi, nhưng về sau nghĩ lại thấy nói như vậy thì làm sao cụ chấp nhận được.
Chủ nghĩa đế quốc vẽ người cộng sản mồm ngậm dao găm, máu chảy ròng ròng, để mọi người hoảng sợ cho rằng người cộng sản là người không có tình, tất nhiên là bậy, nhưng không phải không có căn cứ từ một số người cộng sản đã tuyệt đối hoá đấu tranh giai cấp, hiểu đấu tranh giai cấp một cách cực đoan.
Từ đó chúng ta càng thấy quý Tư tưởng Bác Hồ, tư tưởng phương Đông.
Dân tộc mình xuất phát từ Bách Việt, từ văn hoá phương Đông. Nhưng rồi ta lại chịu ảnh hưởng của văn hoá phương Tây (Pháp, Nga), đụng độ với Trung Quốc. Đã có lúc bất cứ cái gì có dính đến Trung Quốc đều phản bác, thậm chí nói ta nguồn gốc Mã Lai. Thực ra ta giống Trung Quốc nhất: đũa, ngôn ngữ (chữ Hán Nôm đến 40%, thậm chí 80%).
Tôi thấy lạ: tại sao trong trường học, ta lại bỏ không dạy Hán Nôm, không dạy Nho – Phật – Lão ? Nếu không hiểu phương Đông thì làm sao hiểu được Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thời Tây tôi đi học, mỗi tuần còn mấy giờ Hán Nôm.
Ta bây giờ lúc nào cũng nói văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng đó chỉ là nói mồm thôi. Phải chăng văn hoá của ta bây giờ đang đứng giữa ngã ba đường, không cẩn thận thì đi đến khủng hoảng về văn hoá. Cấu trúc câu văn bây giờ theo phương Tây cả.
Phải suy nghĩ nhiều về Trung Quốc. Tại sao truyện Tây Du Ký lại có sức thu hút ghê gớm như vậy ?. Đối với mọi người, chẳng có phân biệt giai cấp hay dân tộc, nam phụ lão ấu đều thích, tính tư tưởng rất cao.
Đối với Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất thiết phải hệ thống hoá lại. Cứ mập mờ, hô khẩu hiệu mãi thì hỏng. Đây là vấn đề cốt lõi để xây dựng Đảng.
Trong Đảng bây giờ có nhiều bế tắc. Tư tưởng đóng băng lắm, lại lai căng nữa.
Để xây dựng Đảng phải phân tích lịch sử, tổng kết lịch sử. Tại sao một đảng như Đảng ta lại lãnh đạo được cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Một nước không có tên trên bản đồ thế giớ, một dân tộc nghèo đói mù chữ lại đánh thắng được những kẻ địch mạnh nhất thế giới – 3 lần thắng Nguyên Mông, thắng Minh, Thanh, thắng Pháp, Mỹ … Dân tộc ta có tính cộng đồng rất cao.
Ta xây dựng CNXH từ điểm xuất phát rất thấp về kinh tế, văn hoá, xã hội, nhưng lại thực hiện được xoá đói giảm nghèo rất tốt, thực hiện việc từ thiện rất tốt. Là tại sao? Phải chăng do tính cộng đồng, do tinh thần thưng người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách đã được phát huy trong điều kiện mới hiện nay.
Ta chưa giàu, nhưng có thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp, công bằng, một xã hội văn hoá và đạo đức. Nếu coi thường văn hoá dân tộc là rất sai lầm.
Phải tổng kết lịch sử, tổng kết sự đổ vỡ của chế độ XHCN. Có rất nhiều bài học về xây dựng Đảng.
Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đã 40 năm rồi. Ông ta có xứng đáng là anh hùng dân tộc không ? Phải kỷ niệm ông ta chứ !
Có phải Đảng mình kiêu ngạo không ? Chỉ thấy phía mình mà không thấy phía những người khác. Nghĩa trang cụ Phan Bội Châu ở Huế, để rêu phong gần như không có người trông coi. Tôi đã nói nhiều lần nhưng chẳng ăn thua gì.
Nhân dân ta tôn thờ Trần Hưng Đạo là Thánh. Còn ta đối với Trần Hưng Đạo ra sao ?
Về Đảng ta hiện nay, có thể nói tiêu cực từ chóp bu trở xuống, tràn lan tất cả.
Vợ Trần Đức Lương xây nhà lớn. Con Phan Văn Khải làm ăn đủ kiểu. Xây dựng cơ bản thất thoát 40 – 50%. Ăn kinh khủng, giàu kinh khủng. Còn bao nhiêu người, bao nhiêu trường hợp biết mà vẫn bỏ qua.
Một dân tộc, một đảng, một đội ngũ cán bộ đã được rèn luyện, thử thách không thua gì thiên hạ, mà taị sao bây giờ lại như thế này ?
Đề ra 3 giảm, nhưng trong thực tế lại thành 3 tăng.
Học bây giờ cũng theo kiểu thực dụng, mì ăn liền, miễn sao làm ra nhiều tiền là được. Phải chăng tiền mới là mục tiêu, lý tưởng.
Môn sử học có chỗ bắt buộc phải thi, có chỗ không, và nếu có thi cũng đặt cho nó một hệ số thấp nhất.
Ta không giữ được những cái cơ bản, văn hoá, đạo đức phương Đông không dạy – trong nhà trường đặt vấn đề “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn đúng. Trước nhất là phải rèn nhân cách; có dạy nhân cách thì con người mới hiểu được Tổ quốc, mới hiểu được Bác Hồ.
Bộ trưởng Bộ giáo dục mà không hiểu văn hoá phương Đông, không hiểu Hồ Chí Minh làm sao làm được bộ trưởng.
Rõ ràng bây giờ phải bổ sung, phải đào tạo lại.
Lãnh đạo bây giờ không có tầm chiến lược. Thiên về kinh tế nhiều. Nhiều cái không ngang tầm. Đạo đức để tùm lum.
Muốn xây dựng Đảng phải hiểu dân tộc, phải hiểu lịch sử, phải biết tổng kết lịch sử. Phải coi lại cái gốc của dân tộc của phương Đông. Không thì nguy hiểm lắm.
Không làm sao làm giảm được ma tuý, mại dâm, tội phạm, trong khi có hàng triệu thanh niên cộng sản.
Ta chỉ ứng phó trước mắt, chữa cháy thôi.
Con người ta có 3 cái: nhân cách đạo đức, lý tưởng, đời sống vật chất – thu nhập. Ba cái đó tạo thành động lực đưa đén hành động. Phải xây dựng 3 cái này một cách cơ bản.
Liên Xô đổ, thực sự là một cú sốc lớn, làm suy giảm niềm tin. Vấn đề này chưa ai giải quyết được. Mới giải quyết được khủng hoảng kinh tế, còn khủng hoảng niềm tin thì chưa giải quyết được.
Tình trạng mê tín dị đoan đang phát triển ngay trong Đảng: cúng bái, bói toán, tướng số, theo đạo Phật … Vợ con cán bộ cao cấp và ngay một số cán bộ cao cấp cũng mê tín.
Trong nhân dân thì các tôn giáo phát triển mạnh, nhất là đạo Tin lành. Hãy xem tình hình ở Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc, các vùng phên dậu của đất nước, các vùng căn cứ địa cách mạng cũ thì thấy mối nguy từ bên trong cứ lớn dần.
Tôi cho rằng các nhà tư tưởng, lý luận đều tránh né hết. Nếu vậy tình hình sẽ đi đến đâu.
Vấn đề sống chết bây giờ là chúng ta phải xây dựng một xã hội như thế nào mới đúng định hướng XHCN. Không phải chỉ có nói miệng cho hay, viết cho suôn sẻ, mà vấn đề là làm, là xây dựng trong hiện thực. Làm sao khoảng cách giàu nghèo ngày càng thu hẹp: giữa người với người, giữa các vùng miền, giữa các dân tộc, có làm như vậy thì mới có cơ sở để xây dựng Đảng.
Có hai mặt: một mặt là phát triển kinh tế, còn một mặt là đồng tiền không tình nghĩa như Mác đã nói. Mặt trái của kinh tế thị trường đã đi vào bộ phận lãnh đạo cao nhất của mình rồi.
Làm thế nào để giải quyết tình hình trên. Phải thực hiện công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Tìm cách làm không duy ý chí, phù hợp với dân tộc. Lãnh đạo phải tập trung, tích cực. Phải chú ý giải quyết các chính sách xã hội.
Trước kia Lênin nói: Khi có chính quyền, thì những cái cải lương đều có tính cách mạng.
Nếu để tiêu cực càng nhiều thì càng xa CNXH.
Hãy xem như Hà Lan, có người Hà Lan nói nước tôi là nước tư bản, nhưng trợ cấp thất nghiệp là 700USD, mọi người đều được học hành không mất tiền. Nhưvậy ta còn phải phấn đấu rất nhiều nữa mới có thể nói đến những ưu việt của CNXH.
Phải đi vào người dân, người nghèo. Ông Mao có chủ trương: “Thầy thuốc chân đất”, như vậy cũng hay.
Còn chế độ ta bây giờ là gì ? Phải chăng đang là chế độ tư bản hạng bét. Ta đã có gì là CNXH ?
Yêu cầu lớn bây giờ không phải là phát triển Đảng, mà là củng cố Đảng. Phải làm một cách cơ bản. Bằng huy động các mặt văn hoá, giáo dục, tư tưởng và bằng phong trào quần chúng.
Tình hình trầm trọng lắm. Phải có những biện pháp tổng hợp, toàn diện để chỉnh đốn, củng cố Đảng nếu không thì hỏng. Từ năm 1999 ta đưa ra Nghị quyết 6 (lần 2) nhưng kết quả không đạt mong muốn. Tôi nhớ Bác Hồ có lần nói với Bộ Chính Trị: “Các chú tự phê bình – phê bình tốt thì Bác mổ heo cho các chú ăn”.
Tình hình trong Đảng hiện nay phải đánh giá cho đúng. Nhiều tệ nạn tiêu cực phải thấy cho hết: che đậy sai lầm tội lỗi cho nhau, lợi dụng phê bình để tố cáo, lật đổ nhau, niềm tin bị khủng hoảng … không củng cố mà cứ phát triển thì Đảng cũng hỏng./.
(*): Ông Mai Chí Thọ – Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN – Nguyên Bộ Trưởng Bộ Công An