Thời Sự Hàng Ngày

Cập Nhật:
Trang Chính
Thế Giới
Việt Nam
Quốc Nội
Cộng Đồng
Văn Hóa & Xã Hội
Tài Liệu

Thông tin

Tài Liệu
Trong Thâm Cung Đảng CSVN: Vụ An Chính Trị Lớn Hé Mở...
Bùi Tín
I. Bức thư không bình thường của vị đại tướng một thời vang bóng:
Đầu năm 2004, tướng Võ Nguyên Giáp gửi một bức thư đề ngày 3 tháng 1 cho "Ban chấp hành Trung ương, Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương". Thư dài 7 trang, về hình thức là đóng góp ý kiến cho cuộc họp Ban chấp hành trung ương đảng lần thứ 9 (khóa IX) nhằm kiểm điểm 3 năm thực hiện nghị quyết của Đại hội đảng khóa IX và đề ra nhiệm vụ cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ này.
Đọc thoáng qua, ít ai thấy được rõ nội dung thật sự của bức thư, những vấn đề nó đặt ra, cũng như khả năng tác động của nó đối với nội tình đảng CS và tình hình chính trị trong nước. Có thể hình dung sự bối rối của những nhân vật cầm quyền chóp bu khi thấy bức thư đã "lọt lưới" ra ngoài nước và đang được truyền về cho bà con ta ở trong nước. Bức thư cần được lý giải, phân tích và nhận định một cách khách quan, thấu đáo, dựa vào những thông tin đáng tin cậy, để các lực lương dân chủ trong, ngoài nước rút ra những kết luận cần thiết cho hoạt động của mình.
Chúng ta có thể chưa đi sâu vào cả 7 trang thư, vào cả 7 vấn đề lớn được ông Giáp lần lượt góp ý: 1)về xây dựng kinh tế; 2)về giáo dục và khoa học; 3)về quốc phòng và an ninh; 4)về chống tham nhũng, lãng phí; 5) về xây dựng, chỉnh đốn đảng; 6) về công tác cán bộ; 7) về công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Có những bức thư dài, nhưng quan trọng hơn cả lại ở vài dòng "tái bút". Bức thư này cũng vậy. Theo tôi, người viết muốn nhấn mạnh đến vấn đề cuối cùng, là "công tác bảo vệ chính trị nội bộ" (những chữ in đậm dưới đây là nguyên văn trong thư).
Trong phần này, ông Giáp nêu bật lên những vụ án chính trị cụ thể: "điển hình nghiêm trọng là vụ Tổng cục II thuộc Bộ Quốc phòng"; "đặc biệt nghiêm trọng là vụ Sáu Sứ mà Hội nghị Trung ương 12 và 13 khóa VI đã bàn giao cho Trung ương khóa VII giải quyết", và: "nghiêm trọng hơn nữa là vụ T4 mà Bộ Chính trị khóa VIII đã bàn giao lại cho Bộ Chính trị khóa IX; Bộ Chính trị khóa IX đã chỉ đạo Ban điều tra liên ngành tiến hành điều tra và Bộ Chính trị đã kết luận".
Bức thư kết luận khá mạnh mẽ: "Tôi đề nghị Hội nghị Trung ương 9 khóa IX xử lý kiên quyết, dứt điểm, nghiêm minh những vụ việc tồn đọng nói trên theo đúng điều lệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của quân đội, dù người đó là ai, ở bất cứ cương vị nào, và thông báo công khai cho Ban chấp hành trung ương khóa IX, cho các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ủy ban kiểm tra trung ương các khóa trước. Kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước đòi hỏi không được phép bao che, né tránh, làm qua loa, mà phải kiên quyết xử lý cả những kẻ bao che".
Bức thư còn không bình thường, chưa từng có ở ông Giáp, vì lời lẽ rất mạnh,lên án những việc làm tồi tệ trong quân đội, trong đảng, không phải do kẻ thù nào gây ra, mà chính do các quan chức ở chóp bu quyền lực chế độ tạo nên - một tổ chức siêu đảng, siêu chính phủ, phá hoại đảng một cách có hệ thống, có tổ chức, kéo dài hàng chục năm...

II. Các vụ án chính trị nghiêm trọng, cực kỳ nghiêm trọng và siêu nghiêm trọng đó là gì? 1) Trước hết là vụ Tổng cục II thuộc Bộ Quốc phòng.
Ông Giáp chỉ rõ: "Những người đứng đầu và những phần tử xấu trong Tổng cục II đã có những hoạt động phá họai Đảng nghiêm trọng, đặt máy nghe trộm các đồng chí lãnh đạo và các cán bộ cấp cao, sử dụng những thông tin sai lạc để phá rối và chia rẽ nội bộ, cố tình gây ra bè phái trong đảng (đoạn in ngả này được gạch ở dưới), tạo ra chứng cứ giả để hãm hại những cán bộ tốt của đảng...". Tổng cục II là cơ quan an ninh - tình báo - phản gián bao trùm cả xã hội, nội bộ đảng, nội bộ quân đội và quốc tế, cả về chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại... do Bộ trưởng quốc phòng trực tiếp nắm. Nó được lập ra từ Cục II, tên gọi của Cục Quân báo, xưa nay vẫn nằm trong Bộ Tổng tham mưu (bao gồm các Cục tác chiến, Cục quân báo, Cục quân lực, Cục quân huấn, Cục động viên, Cục dân quân ...). Cục II được đại tướng Lê Đức Anh và đại tướng Đoàn Khuê đôn lên thành Tổng cục II sau Đại hội 7, khi ông Anh lên làm Chủ tịch nước, ông Khuê làm Bộ trưởng Quốc phòng, dựa vào Nghị quyết 96/CP do Chủ tịch Nước ban bố. Nhân vật trung tâm của Tổng cục II là ông Đặng Vũ Chính - thường mang tên Vũ Chính - người tin cẩn của ông Anh từ khi còn ở trong quân khu 9 và bên chiến trường Cambốt. Vũ Chính cậy thế ông Anh đưa người của gia đình vào tổng cục không chút dè dặt; con trai Đặng Vũ Dũng đi lao động nước ngoài về phong luôn cấp thượng úy, rồi lên trung tá, cục trưởng cục 12; 2 con gái Đặng thị Tuyết, Đặng thị Mai đều mang cấp đại úy trong tổng cục; vợ là bà Nguyễn thị Nhẫn, là người thường có ý kiến về nhân sự và hoạt động của các công ty Vasuco, Toseco (buôn bán vũ khí) cũng như khách sạn Hoàng Gia, công ty xây dựng Hồng Bàng đều của Tổng cục; bà Nhẫn từng được Cục tình báo Hoa nam của Trung Quốc (!) mời sang nghỉ ngơi, tham quan và chữa bệnh. Năm 2000, khi ông Vũ Chính về nghỉ hưu, người được ông bàn giao trọng trách tổng cục trưởng không phải ai khác là đại tá Nguyễn Chí Vịnh, con rể ông Vũ Chính và bà Nhẫn, cũng được ông Anh và ông Khuê ưu ái, với lý do đó là con trai duy nhất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mất từ năm 1967, con nhà tông, chẳng giống lông cũng giống cánh; vợ ông Vịnh là Đặng thị Ngọc, con gái đầu của ông Vũ Chính, cũng là người có quyền lực trong Tổng cục.
Tổng cục II bị nhiều sỹ quan cấp cao ở Hà Nội coi là một "vương triều", với ông vua Vũ Chính, hoàng hậu Thị Nhẫn, hoàng tử Chí Dũng, các công chúa Ngọc, Mai, Tuyết và phò mã Chí Vịnh, với sự phù phép của Thái Thượng Hoàng Lê Đức Anh.
Ông Giáp tố cáo Tổng cục II về tội phá hoại đảng nghiêm trọng một cách có hệ thống, có tổ chức, kéo dài hàng chục năm, đặt máy nghe trộm các đồng chí lãnh đạo và các cán bộ cấp cao, điều này làm cho một viên tướng thân cận với tướng Giáp thốt lên rằng: chế độ ta đã có một Watergate của mình ! Hơn nữa, theo chỉ đạo của ông Anh, Tổng cục 2 đã chĩa mũi nhọn thẳng vào ông Giáp, điều mà ông Giáp nêu rõ là: "tạo ra chứng cớ giả để hãm hại những cán bộ tốt của đảng".

2) "Vụ Sáu Sứ" mang nội dung gì, nhằm hãm hại ai?
Thời gian trước đại hội 7 của ĐCS VN, vào tháng 5- 1991, xuất hiện ở Câu lạc bộ Ba Đình, sát hội trường Ba Đình và ở Câu lạc bộ Quân nhân đường Hoàng Diệu một tập tài liệu đánh máy, mang số 541, 11 trang, nhan đề: "Tình hình hoạt động bè phái trong đảng", với bị chú ở dưới: "Báo cáo của BCT tại Hội nghị TW-12 BCH khóa VI". Thật ra đây là bản báo cáo do tướng Anh chỉ đạo người của Tổng cục II thảo ra, rồi mang danh nghĩa báo cáo của Bộ Chính trị, vì lẽ trong Bộ Chính trị, tướng Anh được phân công đảm nhận các mặt: nhà nước, quốc phòng, an ninh, tình báo và đối ngoại. Trong lịch sử đảng CS, chưa có ủy viên Bộ Chính trị nào ôm đồm nhiều quyền đến vậy.
Bản báo cáo kể lại một loạt hoạt động của một số nhân vật nhằm hạ một số người và đưa một số người lên ở những cương vị then chốt nhất, nhân đại hội VII sắp diễn ra. Hai nhân vật hoạt động hăng hái nhất là Hồ văn Châu (bí danh Năm Châu) và Nguyễn thị Sứ (Sáu Sứ ); Năm Châu vốn là sỹ quan về hưu trong ban chấp hành Hội Cựu chiến binh thành phố Hồ Chí Minh, Sáu Sứ là đảng viên lâu năm trong Hội phụ nữ cứu quốc Nam bộ thời trước. Từ đầu năm 1991, Năm Châu và Sáu Sứ đã ra Hànội nhiều lần, với mục đích là vận động các đảng viên kỳ cựu, các sỹ quan cao cấp nhằm đưa tướng Giáp lên, hoặc làm Tổng bí thư, hoặc làm Chủ tịch Nước, và đưa tướng Trần văn Trà ra làm Bộ trưởng Quốc phòng để rồi sẽ thay tướng Giáp làm Tổng bí thư. Họ còn vận động cho tướng Trần văn Danh (Sáu Trần), người đang chỉ huy xây dựng đập Trị An ra làm Bộ trưởng Công an thay Mai Chí Thọ ... Ra Hànội, Năm Châu và Sáu Sứ đã bàn bạc "âm mưu" này với bộ hạ của tướng Giáp, gồm có: Lê Hoàng (còn gọi là Hoàng Kè vì mắt luôn đỏ kè), từng là ủy viên trung ương đảng, bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên; Thanh Quảng, từng là bí thư của tướng Giáp sau về làm phó bí thư thành ủy Hànội; Hà Kế Tấn, nguyên ủy viên trung ương đảng, bộ trưởng thủy lợi, lúc ấy là phó chủ tịch Hội cựu chiến binh thành phố Hànội; Phan Phúc Tường ở bộ Vật tư; Trường Giang, cán bộ lão thành của khu Việt Bắc... Theo báo cáo thì mấy người này còn đích thân gặp tướng Giáp để bàn mọi chuyện và xin chỉ thị. Bản báo cáo kể tội nhóm cơ hội, bè phái đã bàn để đưa từ Sàigòn ra Hànội 10 cán bộ lão thành có uy tín nhằm tác động đến các đại biểu dự đại hội đảng, và chi phí cho các vị ấy tiền di chuyển và mỗi ngày 100 ngàn đồng; bản báo cáo viết rằng họ còn có âm mưu sách động quần chúng sinh viên, cựu chiến binh, công nhân xuống đường, biểu tình đưa ra yêu sách về nhân sự như trên, và đặc biệt còn có âm mưu ám sát một số nhân vật, trước hết là ông Lê Đức Anh. Theo bản báo cáo, tướng Giáp nhiều lần được gọi là "a. V." (anh Văn) trên các bức thư tuyệt mật của "bọn bè phái chống đảng" gửi cho nhau mà cơ quan an ninh đã nắm được.
Theo bản báo cáo, Năm Châu và Sáu Sứ - đặc biệt là Sáu Sứ - đã thú nhận và khai báo thêm với Tổng cục II những hoạt động bè phái hết sức nghiêm trọng của họ liên quan đến tướng Giáp.
Rõ ràng bản báo cáo này có mục đích kết tội tướng Giáp đã hoạt động bè phái, ngoài khuôn khổ của các đại hội đảng các cấp, tổ chức các cuộc vận động riêng lẻ cho cá nhân mình, phá hoại khối đoàn kết thống nhất của đảng, dính đến cả âm mưu sách động quần chúng xuống đường biểu tình, cho đến chuẩn bị hành động tội ác nặng nhất là ám sát nhân vật lãnh đạo!
Nếu quả là như thế thì tướng Giáp có thể bị điệu ra trước tòa đại hình và lãnh án tử hình! Nhưng điều ấy không diễn ra, vì tướng Giáp vốn rất am hiểu mọi "nanh vuốt" của chế độ, ôm chặt mối "kinh cung chi điểu" suốt hơn 50 năm, sau vụ án hoang tưởng "xét lại, chống đảng, làm gián điệp cho Liên Xô", nên rất cảnh giác và khôn ngoan; ông bác bỏ mọi lời buộc tội dựa vào lời khai trong hăm dọa và mớm cung của Sáu Sứ, giữ được an toàn cho bản thân, để có cuộc phản kích ngoạn mục hôm nay. Nhiều sỹ quan cao cấp chê trách ông Giáp là quá nhút nhát, chỉ chờ ăn cỗ dọn sẵn, còn bản thân thì bảo mạng bất động, lo sợ đủ thứ!
Trong hàng ngũ sỹ quan cấp cao trong Quân đội nhân dân hiện còn tồn tại một vướng mắc là bà Sáu Sứ là con người ra sao, là người của Tổng cục II có nhiệm vụ "giăng bẫy" để tạo chứng cớ nhằm hãm hại tướng Giáp, hay bà là người tin cẩn của tướng Trà nhưng khi bị an ninh tra hỏi - vừa mua chuộc vừa đe dọa và mớm cung - đã khai báo hết, như bản báo cáo nêu? Điều tồn tại nữa là bà Sáu hiện ở đâu, có còn sống? sao im hơi lặng tiếng suốt hơn 10 năm nay?

3) Vụ án siêu nghiêm trọng T4?
Bị cáo chính của vụ án chính trị này là Đặng Đình Loan, sinh năm 1943 tại Phong điền tỉnh Thừa thiên, tốt nghiệp trường đại học tổng hợp Hànội ngành văn, phóng viên Thông tấn xã VN, hoạt động thời chiến tranh ở B5 (Trị-Thiên). Loan tự động bỏ việc ra Hanội năm 1974, để vợ con trong quê, lấy vợ khác là bác sĩ Linh, vợ liệt sĩ có 1 con riêng; đầu năm 1994 Loan phóng ra một tác phẩm cực dài, hơn một ngàn trang, in làm 4 tập, tiểu thuyết lịch sử, nhan đề "Đường thời đại", có hàng mấy trăm nhân vật từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng... đến Nguyễn văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh, Cao Văn Viên, Trần Thiện Khiêm, Ngô Quang Trưởng, rồi đến Johnson, Nixon, Kissinger, Ford... Cuốn sách được Nhà Xuất bản QĐND, mà giám đốc là tướng Đoàn Chương em ruột bộ trưởng Quốc phòng đại tướng Đoàn Khuê in và phát hành; sách còn được Thư viện QĐND trên đường Lý Nam Đế tổ chức giới thiệu rộng rãi, với lời tâng bốc: tác phẩm văn học đich thực, ngang tầm với tác phẩm "Chiến tranh và Hòa binh" của đại văn hào xô-viết Léon Tolstoi! Trước khi in, Loan đã được Tổng cục chính trị (QĐND) mà chủ nhiệm hồi ấy là tướng Lê Khả Phiêu trợ cấp 300 triệu đồng (chừng 20 ngàn đôla), đồng thời được bộ trưởng thông tin văn hóa Trần Hoàn còn hào phóng cấp cho 6OO triệu đồng (chừng 40 ngàn đôla).
Tôi đã đọc một mạch hơn ngàn trang sách "Đường thời đại", nội dung nhặt nhạnh từ sách trong và ngoài nước, thêm mắm muối, thêm các chuyện tình ly kỳ, rất rẻ tiền, với ý định chính trị khá lộ liễu, hạ những nhân vật này, tâng bốc các nhân vật khác; nó "vô giá" đến độ Tổng cục chính trị của ông Phiêu nài ép Hội nhà văn cấp giải thưởng cho "tác phẩm lịch sử" này, kết nạp Loan vào Hội, nhưng Ban chấp hành Hội lờ tịt, không nhắc gì đến chuyện này!
Giữa năm 1996, Loan vào Sàigòn, lên Thủ Đức nói chuyện tại Trường sỹ quan lục quân 2, với thư giới thiệu của Văn phòng Tổng cục chính trị. Loan luôn trưng ra ảnh chụp Loan đứng bên 3 tướng:Lê Đức Anh, Đoàn Khuê và Lê Khả Phiêu, 3 ngôi sao sáng chói trên bàu trời chính trị VN. Tháng 11-1996, Loan ghé Huế và tỉnh ủy Thừa thiên tổ chức cho Loan 2 cuộc nói chuyện hẹp, với lời giới thiệu trang trọng là "phái viên đặc biệt của Bộ Chính trị", và còn ghé tai thầm thì với nhau: đồng chí Loan là trợ lý của các anh trong Bộ Chính trị, nhất là của anh Sáu Nam (bí danh ông Lê Đức Anh), hưởng lương chuyên viên 8 (cấp thứ trưởng). Loan từng là đảng viên CS, bỏ đảng gần chục năm, nay lại được văn phòng tỉnh ủy cấp giấy giới thiệu sinh hoạt đảng. Trong các buổi nói chuyện, Loan lên bổng xuống trầm, có khi như thầm thì, rằng: đây là những điều cơ mật của đảng, đồng chí Sáu Nam cho phép chỉ phổ biến riêng cho các anh lãnh đạo các tỉnh thành, chờ sẽ phổ biến công khai sau.
Điều ly kỳ nhất là những điều Loan nói về tướng Giáp; nào ông Gờ (G.) là con nuôi thật sự của tên trùm mật thám Marty; bác Hồ chọn đồng chí Phùng Chí Kiên để giao việc thành lập Quân giải phóng, ông G. đã tiếm quyền ấy; ở chiến dịch biên giới, ông G. không chỉ huy, chứ để ông G. chỉ huy thì thua, may nhờ tướng Trần Canh chọn Đông khê làm điểm đột phá; ở Điện Biên, ông G. sợ chết, nằm dưới hầm suốt, may có các anh Nguyễn Chí Thanh và Hoàng văn Thái chỉ huy nên thắng to, thắng rồi ông G. liền dành vinh quang cho riêng mình; ông G. có tội theo Khrouthchev, cầm đầu nhóm "xét lại chống đảng", thậm thụt với Sherbacov đại sứ kiêm tình báo Liên xô; ông G. chỉ giỏi nịnh bác Hồ; sau hiệp định Giơnevơ, ông G. cho phục viên 8 vạn quân, đưa 2 vạn quân ra nông trường là sai lầm chiến lược; ông G. bịa chuyện ông ấy có tên trong 10 vị tướng tài nhất thế giới được in trên Bách khoa toàn thư, thật ra là không có, đáng xấu hổ! Khi đánh Mỹ, ông G. sợ chết, không vào Nam, hay sang Liên xô vì sợ Mỹ dùng bom nguyên tử; năm 1974, làm kế hoạch chiến lược, ông G. đề ra kế hoạch 4 năm (75-79) bị ông Duẩn bác bỏ: "nếu 4 năm thì đừng có đánh nữa!"; lẽ ra ông G. đã bị loại bỏ từ lâu, nhưng chỉ vì muốn giữ viện trợ của Liên xô mà tạm để lại, nhưng không có thực quyền; về đạo đức, ông G. rất bê bối, tằng tịu với vợ nhà văn Đào Vũ khi bà ấy dạy đàn pianô tại nhà riêng!
Theo một báo cáo gửi ra Tổng cục chính trị ngay sau đó, sau cuộc nói chuyện của Loan, vài cán bộ chủ chốt trong tỉnh ủy, đặc biệt là giám đốc Công an, thường vụ tỉnh ủy hết lời tâng bốc tướng Anh, và về nhà gỡ ngay ảnh chụp chung có mặt tướng Giáp treo trong nhà, và gọi tướng Giáp bằng "thằng". Một số hoài nghi những điều Loan nói và yêu cầu tỉnh ủy thẩm tra ngay và báo cáo ra trung ương. Vụ án khởi đầu như vậy.
Tại sao Loan chọn Huế - Thừa thiên để loan truyền những tin tức cơ mật động trời ấy? Đây là theo tùy hứng của Loan, hay theo lệnh của ai đó? hay của nhóm nào? Cuộc điều tra của vụ án sẽ kết luận. Chỉ có thể phỏng đoán là một mình Loan thì khó có gan làm cái việc ghê gớm ấy, vì ai cũng biết thế của tướng Giáp vẫn còn lớn, tuy ông đã ra khỏi Bộ Chính trị từ Đại hội V (1981) và ra khỏi trung ương từ Đại hội VII (1991). Chỗ dựa của Loan rõ ràng là bộ 3 vị tướng Anh, Khuê, Phiêu, đều quê miền Trung, đặc biệt là tướng Anh quê ở Thừa thiên Huế. Tất nhiên ai cũng biết tướng Giáp quê ở Quảng Bình, và giữa Thừa thiên - Huế với Quảng bình, tuy cùng trong phân khu, sau này là tỉnh Bình - Trị - Thiên nhưng luôn đố kỵ nhau khá là sâu sắc, giữa kinh thành cố đô và vùng nhà quê.
Nhà báo quân đội đã về hưu đại tá Nguyễn Trần Thiết đã đưa ra công khai hoạt động khả nghi của Đặng Đình Loan, "truyền bá tin sai lạc có tính chất vu cáo để hãm hại một bậc công thần của chế độ" trong bức thư gửi Tổng cục chính trị đề ngày 22 tháng 8 năm 1997; đại tá Thiết vốn tính tình ngay thẳng, xông xáo, từng cùng tôi đi các chiến trường trong chiến tranh. Ngay sau đó nhiều lá đơn của các vị tướng gửi đến Đảng ủy quân sự trung ương, Ban kiểm tra Quân ủy, Thanh tra Quân đội, Tòa án quân sự trung ương... nêu rõ những hành vi phạm pháp, vi phạm kỷ luật quân đội của Loan, có tính chất vu cáo xuyên tạc, phá hoại đảng, phá hoại quân đội, yêu cầu điều tra ngay và xử lý nghiêm minh bị can và cả những kẻ liên quan. Đến gần Đại hội IX (giữa năm 2001), đơn tố cáo gửi tới Bộ Chính trị, Ban kiểm tra trung ương càng thêm nhiều, có sao gửi khá rộng, truyền tay ở câu lạc bộ quân nhân đường Hoàng Diệu Hànội, chỉ rõ người đỡ đầu cho Đặng Đình Loan là tướng Lê Đức Anh, lại còn yêu cầu thẩm tra lý lịch và việc vào đảng CS của ông Anh, vì có đại tá Nguyễn văn Hội từng ở cùng đơn vị ông Anh hồi chống Pháp năm 1947-1949 kể rằng hồi ấy ông Anh chưa vào đảng, mà nay lại thấy trong tiểu sử công bố ông Anh vào đảng CS từ năm 1942 (gần 60 tuổi đảng!); nhiều khả năng ông Anh tự chui vào đảng mà không có ai kết nạp!
Lại còn mấy lá đơn từ một số đảng viên lão thành vốn là công nhân cao su đồn điền Dầu tiếng của thực dân Pháp thời trước gửi ra cho Bộ Chính trị và báo Nhân dân yêu cầu làm rõ tiểu sử ông Lê Đức Anh, với lời nghi ngờ rằng phải chăng đó là "viên cai Anh" vốn nói tiếng Huế, mặt rỗ hoa, chột một mắt do bệnh đậu mùa, tuy còn trẻ hồi ấy nhưng khá nghiêm và ác đối với phu đồn điền nên anh em nhớ lâu? Trong hàng ngũ cao cấp QĐND, đòi hỏi làm rõ về Loan và tướng Anh càng mạnh mẽ khi ông Anh sau khi ra khỏi Bộ Chính trị tháng 12-1997, mất luôn chức cố vấn ở đại hội IX, nghĩa là từ một kẻ đầy ắp quyền uy nay lâm vào cảnh thất thế rồi!

III- Ba vụ án hòa thành một: cuộc đọ sức giữa 2 đại tướng:
Một nét ly kỳ của vụ án chính trị này là bên nguyên và bên bị đều không nêu tên tuổi của nhau một cách rõ ràng minh bạch như dưới một chế độ có luật pháp nghiêm minh. Tổng cục II, Sáu Sứ, Năm Châu, Đặng Đình Loan, hay cả Trần Quỳnh (nguyên là phó thủ tướng những năm 1976-1984, ủy viên trung ương đảng khóa IV, người cùng quê và tin cẩn của Lê Duẩn, năm 1994 đưa ra hồi ký đánh máy, kể rằng tướng Giáp phạm tội làm gián điệp cho Liên xô, đã bị loại ra ngoài Bộ Chính trị nhưng không công bố; trong hồi ký, ông Quỳnh khinh thị gọi ông Giáp bằng "y"; hiện đã có đơn tố cáo ông Quỳnh phạm tội vu cáo cán bộ cao nhất của quân đội, xúc phạm danh dự toàn quân, phải được xử trước tòa án quân sự). Những người có tên nêu trên đều chỉ là nhân vật phụ, rất phụ trong vụ án chính trị siêu nghiêm trọng này.
Có thể nói đây thực chất là keo vật lộn ác liệt giữa 2 đại tướng, kế thừa một cuộc đấu dai dẳng trong nội bộ triều đình Cộng sản Hànội từ sau Đại hội XX của đảng CS Liên xô năm 1956, giữa những đồng chí thù địch (les camarades - ennemis). Hồi ấy sau Cải cách ruộng đất với những sai lầm kinh khủng, tổng bí thư Trường Chinh mất chức, 2 ông Lê Duẩn và Lê Đức Thọ ở miền Nam ra, bắt đầu có chức trọng quyền cao, ra sức củng cố quyền lực; tướng Giáp với hào quang Điện Biên Phủ, lại được chủ tịch Hồ Chí Minh tín nhiệm chọn để đứng ra ổn định tình hình là trở ngại tiềm tàng trên con đường thâu tóm quyền lực của cặp Duẩn - Thọ, khi lãnh tụ Hồ Chí Minh về già. Thế là vụ án tưởng tượng "xét lại - chống đảng, làm gían điệp cho nước ngoài" hình thành, với hơn 30 vị công thần bị thí bỏ, riêng tướng Giáp yên vị vì được lãnh tụ che chở; ông hú vía, dửng dưng trước bi kịch tra vấn tù đày của đồng chí thân cận, miễn là riêng mình an toàn (cho đến nay những ngôi sao tướng trên vai ông như xỉn hẳn vì cái sự thiếu "dũng" này). Sau toàn thắng 30/4/75, cặp 2 ông Duẩn - Thọ vẫn chiếu tướng ông Giáp, không để ông nắm quân đội nữa ngay từ đầu năm 1976, loại các tướng gần với ông Giáp ở cơ quan Bộ quốc phòng-Tổng Tham mưu, đưa một loạt tướng địa phương - tướng các quân khu xa - về Bộ. Do đó tướng Chu Huy Mân (quân khu 5), Lê Đức Anh (quân khu 9) được lên vượt 2 cấp và các đại tá Đoàn Khuê, Lê Khả Phiêu ở Pnom Penh về lên thiếu tướng, trung tướng, rồi thượng tướng..
Qua lời Đặng Đình Loan cuối năm 1986 chính Lê Đức Anh đã lập công đầu với Lê Đức Thọ báo cáo gấp cho ông Thọ biết kiến nghị của đa số đại biểu Đại hội đảng toàn quân là đưa ông Giáp trở lại Bộ Chính trị (ông Giáp đã bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị trong đại hội V, tháng 3 năm 1982) để làm Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (chức Thủ tướng hiện nay), cùng với ông Trường Chinh làm Tổng bí thư và ông Phạm văn Đồng làm Chủ tịch Nước (đề nghị này được nhiều đại hội đảng cấp tỉnh, thành tán đồng). Để phá nước cờ này, Lê Đức Thọ đi nước cờ cao hơn, chỉ trong một đêm 17/12/1986, nảy ra sáng kiến: cùng về nghỉ hưu bản thân mình, ông Chinh và ông Đồng, một sự ép buộc mà ông Chinh và ông Đồng không thể khước từ, nêu không sẽ mang tiếng là tham quyền cố vị. Ông Giáp bị gạt hẳn do đó, và từ đó. Đây là đòn quyết định của viên đại tướng (tháng 12 năm 1974 vẫn còn là đại tá ở một quân khu ít căng thẳng, bình an nhất, không hề có quân chiến đấu Mỹ đóng, chưa từng bị bom B52, miền Tây Nam bộ, khác hẳn với miền Đông), ít chiến công riêng, nhảy từ đại tá lên đại tướng trong thời bình nhờ những cuộc đấu đá chính trị khá là "ngoạn mục" ở hậu trường, đối với ông đại tướng đã lừng danh.
Hành trình của tướng Giáp và tướng Anh từ đó ngược chiều nhau. Tháng 12/1976, khi tướng Giáp tuy còn trong Bộ Chính trị nhưng mất chức Bộ trưởng quốc phòng, thì tướng Anh vào Ban chấp hành trung ương (đại hội IV); tháng 3/1982, khi tướng Giáp bị đưa ra khỏi Bộ Chính trị thì tướng Anh vào Bộ Chính trị (đại hội V), đứng cạnh Lê Duẩn và Lê Đức Thọ; đến tháng 7/1996, tướng Anh ở đỉnh cao chế độ, đọc lời khai mạc đại hội VIII, mang quyền lực và chức vụ Chủ tịch Nước, là ủy viên Bộ Chính trị phụ trách nhà nước, quốc phòng, an ninh, tình báo, đối ngọai (thực tế quyền lực lớn hơn cả tổng bí thư Đỗ Mười), thì cũng là lúc tướng Giáp bị ra khỏi Ban chấp hành trung ương, trở thành "phó thường dân", cái ghế còm "cố vấn" cũng không đến tay, vì đã bị chiếm bởi 3 vị: Nguyễn văn Linh, Phạm văn Đồng và Võ Chí Công rồi!
Sự đời luôn có khởi đầu và kết thúc. Sự nghiệp ông Anh lên đỉnh cao chót vót ắt rồi đi xuống. Chỉ có điều nó đi xuống quá nhanh! Chưa hết khóa VIII, ông đã được mời "xuông" làm cố vấn trong cuộc Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ tháng 12/1997, để đến Đại hội IX (tháng 4-2001) ông không còn chức vụ nào, cùng ngậm ngùi ra đi với tổng bí thư Lê Khả Phiêu, một cận thần của ông bỗng trở nên đối thủ, cùng nhau chìm xuồng trong pha xung đột cung đình gay gắt.

IV- Tương quan lực lượng giữa 2 đối thủ:
So sánh thế và lực của 2 ông đại tướng ra sao? Nó thay đổi rõ tùy theo thời gian, khi chức vụ thay đổi ngược chiều nhau. Ông Anh đi B năm 1962 khi còn là cục phó thứ 3 của Cục tác chiến (lúc ấy có 3 cục phó) thuộc Bộ Tổng tham mưu, với cấp thượng tá. Còn ông Giáp được phong đại tướng từ năm 1947, khi 35 tuổi. Tháng 6 năm 1975, ông Giáp xuống Cần Thơ thị sát bộ tư lệnh Quân khu IX ở gần bến Ninh Kiều; tôi chứng kiến cảnh ông Anh - tư lệnh Quân khu IX - đích thân bưng đĩa trứng vịt lộn mời ông Giáp rồi chuốc rượu ông Giáp; có ai nghĩ rằng sẽ có vụ án chính trị siêu nghiêm trọng hôm nay!
Hiện nay, khi cả 2 vị đều trở về cương vị "phó thường dân", so sánh lực lượng lúc này ra sao? Ông Giáp trở lại có ưu thế rõ rệt. Ông có danh tiếng vang dội trong quân đội, trong cựu chiến binh, trong trí thức, cả trong và ngoài nước... Tuy nhiên không ít sỹ quan có ý thức dân chủ, đặc biệt là các chiến sỹ dân chủ như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang, Phạm Quế Dương... chê trách ông thiếu cương nghị và công tâm, thiếu cả dũng khí bênh vực lẽ phải, bảo vệ người ngay; điều đáng trách ông hơn cả là khi những sỹ quan thân cận nhất của ông như các đại tá Đỗ Đức Kiên (cục trưởng tác chiến), Lê Trọng Nghĩa (cục trưởng quân báo), Lê Minh Nghĩa, Nguyễn văn Hiếu (văn phòng bộ quốc phòng), và sau đó là các tướng Đặng Kim Giang, Lê Liêm, rồi về sau nữa là các tướng Chu Văn Tấn, Trần Độ... lâm đại nạn, ông đã nhẫn tâm bỏ mặc họ! Tôi là người được gần ông, nói chuyện với ông hằng chục lần, quý trọng, tin cậy ông, từng chân thành thức tỉnh lương tâm ông, nhắc ông hãy nghĩ: "nhất tướng công thành vạn cốt khô", và: "để lại tiếng thơm về đức độ còn quý hơn là danh tiếng của trăm chiến công", nhưng tôi đã thất vọng sâu sắc vì đến cuối đời, với bức thư trên, ông chỉ đòi công lý cho riêng mình!
Dù sao, thế và lực lúc này nghiêng hẳn về phía ông Giáp; ông Anh đã ở trong tình thế suy yếu, gần như cô độc. Những người kén chọn đưa ông lên là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ không còn sống. Hai vị này còn bị một số tướng lĩnh và sỹ quan cao cấp trong một bức thư ngỏ phổ biến rộng rãi gộp cùng với ông Lê Đức Anh và ông Lê Khả Phiêu thành "bè lũ 4 tên họ Lê", bị diễu là con cháu của gian thần Lê văn Thịnh thời Lý, bị coi là một duộc với "bè lũ 4 tên" trong cách mạng văn hóa vô sản của Trung quốc là Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên. Những đồng chí thân thiết nhất của ông Anh là Đoàn Khuê, Đào Duy Tùng, Trần Hoàn... đã ra đi. Các tướng Nam Khánh và Đoàn Chương ở tổng cục chính trị đã thất thế. Hơn 60 viên tướng ông đưa lên khi làm Bộ trưởng quốc phòng và Chủ tịch Nước để cố tạo nên một lớp tướng trẻ trung thành riêng với ông, họ đã sớm quên ơn mưa móc của ông, theo lẽ thường tình phù thịnh chứ không ai phù suy. Ông Anh còn phạm sai lầm hách dịch với cấp dưới, như khi bị chảy máu não nhẹ cuối năm 1995, nằm điều trị ở Quân y viện 108, ông đã nổi cáu thải hồi một loạt sỹ quan quân y, từ Viện trưởng Vũ Bằng Đình trở xuống, gây ấn tượng rất xấu cho các sỹ quan trí thức trong quân đội.

V- Vụ án siêu nghiêm trọng này sẽ kết thúc ra sao?
Ông Giáp đã chọn đúng thời cơ khi gửi bức thư trên. Đầu năm 2004 là khởi đầu cho kỷ niệm nửa thế kỷ chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004). Báo chí, phát thanh, truyền hình trong và ngoài nước sẽ nói nhiều đến ông, đến đóng góp của ông cho chiến công này. Chắc chắn các viên tướng trung thành với ông như: Song Hào, Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Quyết, Lê Tự Đồng, Lê Ngọc Hiền, Nguyễn Hòa, Trần Hanh... khích lệ ông trong việc đòi công lý này. Thuận lợi cho ông Giáp là các vụ án nói trên đã có nghị quyết của bộ chinh trị là làm cho sáng tỏ để đi đến kết luận, mà các nghị quyết ấy đã được phổ biến rộng rãi cho các kỳ đại hội đảng, không ai phủ quyết hay xóa bỏ được.
Hơn nữa Ban điều tra liên ngành đã được thành lập gồm các đại biểu của Ban Kiểm tra trung ương đảng, Ban tổ chức trung ương đảng, Viện kiểm sát tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ quốc phòng, Bộ Công an... do ông Lê Hồng Anh (ủy viên Bộ Chính trị, nguyên là Trưởng Ban Kiểm tra trung ương, nay là Bộ trưởng Công an) làm trưởng ban. Bộ Chính trị đã nhiều lần nghe Ban điều tra liên ngành báo cáo và, như trong thư ông Giáp cũng nói rõ, Bộ Chính trị đã có kết luận.
Vấn đề còn tồn tại hiện nay là Bộ Chính trị sau khi kết luận vụ án rồi, sẽ xử lý vụ án này ra sao, kỷ luật những ai, với mức nào, theo kỷ luật đảng chiếu theo điều lệ đảng, hay còn phải truy tố theo pháp luật của nhà nước? Về việc này, ông Giáp đề nghị Hội nghị trung ương khóa tới "xử lý kiên quyết, dứt điểm, nghiêm minh, theo đúng điều lệ của đảng, pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của quân đội, dù người đó là ai, ở bất cứ cương vị nào".
Sau khi xử lý, vấn đề tiếp theo là sẽ phổ biến ra sao về vụ án này; phổ biến trong đảng, phổ biến ra công luận, và phổ biến ra quốc tế?... Theo cung cách xưa nay, có vụ chỉ phổ biến trong nội bộ trung ương đảng (gọi là những vụ tuyệt mật); có vụ chỉ phổ biến đến cán bộ cấp cao trong đảng (từ cấp thường vụ tỉnh ủy, từ thứ trưởng trở lên (vụ án mật), hoặc chỉ phổ biến trong nội bộ đảng, không để lọt ra ngoài đảng (gọi là vụ án nội bộ). Mức độ phổ biến và giải thích cũng khác nhau. Có đưa trên báo chí và phát thanh không, với mức độ nào, có bình luận không, và trả lời các câu hỏi của công luận ra sao? Về mặt này, ông Giáp đề nghị: "thông báo công khai cho Ban chấp hành trung ương khóa IX, cho các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư và Ủy ban kiểm tra trung ương các khóa trước" (nghĩa là phổ biến hẹp, rất hẹp, loại tuyệt mật!).
Theo kinh nghịêm của tôi, ở Hànội không một vụ án hay sư kiện tuyệt mật, mật hay nội bộ nào, kể cả vụ đổi tiền, đươc giữ kín trong 2, 3 ngày. Chỉ vài giờ hay sau 1, 2 buổi, các phó thường dân, từ lái xe, thư ký riêng, các phu nhân, cậu ấm, cô chiêu và bồ bịch của các cụ, quán càphê các cụ hay lui tới, cho đến bạn thân các nhân vật kể trên đều biết cặn kẽ mọi sự. Họ thì thầm: này, cực bem đây nhé! tuyệt mật đây nhé, chỉ riêng cậu biết thôi đó; và họ lao đi thầm thì từ môi đến tai để tỏ ra vẻ ta đây, biết đầu tiên mọi sự! Chỉ còn chờ xem vụ án siêu nghiêm trọng này sẽ ngã ngũ ra sao, được giải quyết thế nào, những ai bị xử lý kỷ luật đảng, bị truy tố trước pháp luật? số phận những người bị coi là có tội, có liên quan, bao che tội phạm ra sao?... Ai là người thoát nạn?... Vụ án này còn chứng tỏ việc xây dựng củng cố đảng, chống tham nhũng tiêu cực trong đảng, giải quyết các vụ tồn đọng môt cách công bằng, công khai và minh bạch của họ là ý muốn thật hay lời nói xuông? để ém nhẹm, đóng cửa bảo nhau, giảI quyết trong nội bộ, để rồi lại bung ra dữ dội ?
Để xem cái Tổng cục II có bị giải thể để trở về với Cục II thuộc Bộ tổng tham mưu như cũ hay không, và cái "vương triều" mà có người cho là nhơ hơn chuồng ngựa ấy, với "công ty Toseco" buôn bán vũ khí mờ ám vụ lợi hàng trăm triệu đôla, với Cục 15 (cục khoa học công nghệ tình báo) tiêu pha kiểu phá gia chi tử, đặt máy cực đắt cài bẫy lãnh đạo không nể một ai, sẽ ra sao?
Để xem họ kết luận về nhân vật Sáu Sứ, Năm Châu ra sao? và về "nhà đại văn hào Toltoi của VN" Đặng Đình Loan cùng tác phẩm "Đường thời đại" nữa như thế nào?
Và để xem họ có đưa ra nhận định gì về 2 ông đại tướng "đồng chí thù địch" hay không? Hay vẫn chỉ đánh từ vai trở xuống, trừ đầu ra, dù cho đầu đã bị đủ thứ vi trùng ăn cho thoái hóa rồi!
Kể ra cũng ngược đời và mỉa mai, trân đánh cuối đời của Võ tướng 93 tuổi lại ở giữa trận địa Hànội, chiến thắng vẫn bấp bênh, áo giáp khó nguyên vẹn !
Những người lãnh đạo CS không ngớt hô hào phải thường xuyên phê bình và tự phê bình, như tắm gội, rửa mặt hằng ngày. Với những vụ án lưu cữu tồn đọng mà không dám kiểm điểm tận gốc, không ngay thật nhận tội, không xin lỗi nạn nhân, không rút ra bài học sâu sắc như sai lầm cải cách ruộng đất, như các vụ "Nhân văn Giai phẩm", "Xét lại chống đảng", như bỏ tù hàng trăm ngàn sỹ quan viên chức chế độ cũ; như đàn áp các tôn giáo và các chiến sỹ dân chủ; như nạn tham nhũng bất trị; và nay là những vụ đấu đá nội bộ bỉ ổi trong thâm cung tồn tại hơn mười năm... Hơn bao giờ hết một cuộc tổng vệ sinh tẩy uế trở nên cấp bách.
Không thật sự tẩy uế chế độ, công cuộc đổi mới và hòa nhập sẽ không thể thành hiện thực vì người dân không bao giờ chịu ngột ngạt trong xu uế tràn lan của xã hội; các nước gần xa cũng tránh quan hệ với một chế độ nặng mùi tử khí.
Công khai, thẳng thắn trong việc xử lý vụ án siêu nghiêm trọng đang hé mở này là bằng chứng, là thử thách, là thước đo sức khỏe chính trị và tính lương thiện của nhóm lãnh đạo hiện nay ở Hànội.

Bùi Tín.
Paris tháng 4-2004.


Tiểu Luận - Dương Thu Hương.
Tiểu Sử Nguyễn Thái Học (1902-1930).
Hồ Sơ Đặc Biệt - Những Y' Kiên Nội Bộ Của Các Cán Bộ Lão Thành.
Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài.
Một cách Lý Giải Về Chuyện Hồ Chí Minh Bị Mất Quyền Lực Trong Những Năm Cuối Ðời
Ai La` Mẹ Nông Đức Mạnh
Hoàng văn Hoan Tố Lê Duẫn Phản Bội Cách Mạng, Lấn Ép Họ Hồ.
Mạn đàm với Điệp viên CIA Yung Krall.
Ông Mai Chí Thọ - (Một số ý kiến về xây dựng Đảng CSVN).
Thư của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Cựu Đại Tá Bùi Tín: Thư Của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp Gởi Cấp Lãnh Đạo Việt Nam Là Vụ Watergate Của Hà Nội.

KISS ME GƠODBYE